LỰUPericarpium Granati
1. Tên khoa học: Punica granatum L.
2. Họ: Lựu (Punicaceae).
3. Tên khác: An thạch lựu, Thạch lựu, Thạch lựu bì, Pomegranate (Anh), grenadier (Pháp).
4. Mô tả:
Cây nhỏ, cao tới 5-6m, có thân thường sần sùi, màu xám. Rễ trụ khoẻ, hoá gỗ, dạng con thoi, màu nâu đỏ ở ngoài, màu vàng nhạt ở trong. Lá đơn, nguyên, mọc đối, bóng loáng. Hoa mọc đơn độc hoặc tụ họp thành cụm 3-4 cái ở ngọn cành. Hoa có 5-6 lá đài hợp ở gốc, 5-6 cánh hoa màu đỏ chói, rất nhiều nhị bầu nhiều ô chứa nhiều noãn xếp chồng lên nhau. Quả mọng có vỏ dày, tròn phía trên có đài tồn tại, có vách ngang chia thành 2 tầng, các tầng này lại chia ra các ô chứa nhiều hạt tròn, có vỏ hạt mọng. Hoa tháng 5-6; quả tháng 7-8.
5. Phân bố:
Cây được trồng khắp nơi trong nước ta để làm cảnh, làm thuốc.
6. Trồng trọt:
Trồng khắp nơi trong nước ta
7. Bộ phận dùng:
Vỏ rễ, vỏ thân, vỏ cành, Vỏ quả (Thạch lựu bì)-Pericarpium Granati.
8. Tác dụng dược lý:
8.1. Tác dụng chống ký sinh trùng: chất pelletierine trong Thạch lựu bì có tác dụng mạnh đối với giun móc, Isopelletierine, một thành phần trong vỏ cây Thạch lựu tác dụng còn mạnh hơn. Tác dụng mạnh do chất tanin trong vỏ Thạch lựu làm giảm sự hấp thu các chất alcaloid và làm tăng tác dụng của nó chống giun.
8.2. Tác dụng kháng khuẩn: In vitro, thuốc có tác dụng ức chế đối với tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn lî, trực khuẩn mủ xanh, lao và nhiều loại nấm gây bệnh. Thuốc có tác dụng kháng virus cúm.
8.3. Độc tính: Trên súc vật thí nghiệm, liều cao của alcaloid trong thuốc làm cho súc vật ngưng thở và chết. Tác dụng phụ thường gặp ở người là chóng mặt, rối loạn thị giác, mệt mỏi, giật đùi chân, run giật, cảm giác kiến bò. Liều cao dẫn đến giãn đồng tử, đau đầu, nặng gây chóng mặt hoa mắt, nôn, tiêu chảy, buồn ngủ.
9.Thành phần hoá học:
9.1. Vỏ rễ chứa một hàm lượng tanin cao (2%) và 0,5-0,7% alcaloid toàn phần trong đó có pelletierin, isopelletierin, methylpelletierin và pseudopelletierin. Isopelletierin là alcaloid có hoạt tính trị giun cao. Vỏ thân cũng chứa pelletierin và các alcaloid khác nhưng hàm lượng thấp hơn. Còn có acid betulic và 3 chất base khác.
9.2. Vỏ quả chứa granatin, acid betulic, acid ursolic và isoquercetin.
9.3. Dịch quả chứa acid citric, acid malic và các chất đường glucose, fructose, maltose.
10.Công năng:
Vỏ quả có tác dụng sáp trường chỉ tả, chỉ huyết, khu trùng. Vỏ thân và vỏ rễ có tác dụng sát trùng trừ sán.
11.Công dụng, cách dùng:
11.1. Vỏ rễ, thân, cành: Diệt sán. Vỏ rễ sắc uống ngày 20 - 60g, thường dùng vỏ tươi vì có nhiều alcaloid.
11.2. Vỏ quả: chữa lỵ, bạch đới, kinh nguyệt quá nhiều, nước sắc còn dùng ngậm, súc miệng chữa viêm amidan. Sắc uống mỗi ngày 15 - 30g.
11.3. Thịt quả được dùng trợ tim, giúp tiêu hoá. Dịch quả tươi làm mát hạ nhiệt. Hạt giúp tiêu hoá. Hoa dùng chữa viêm tai đề phòng chảy mủ.
12.Bài thuốc:
12.1. Chữa nổi mày đay, ngứa ngáy do phong thịnh, huyết nhiệt: Vỏ lựu tươi, Ké đầu ngựa, Bèo cái, Bồ công anh, Thổ phục linh, Hà thủ ô, mỗi loại 12 g; xác ve sầu, mã đề, cam thảo đất, mỗi thứ 8 g. Cho tất cả vào nồi ngâm với 750 ml nước trong 15 phút, sắc còn 200 ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn. Nếu ngứa ngáy khó ngủ thì có thể gia thêm lạc tiên và lá vông (10 g/món) cùng sắc uống.
12.2. Chữa phỏng lửa hoặc phỏng nước sôi: Vỏ lựu rửa sạch, sấy khô, tán bột mịn, trộn đều với dầu Mè thoa lên chỗ phỏng, ngày 3-4 lần.
12.3. Chữa lỵ kinh niên, phân có máu, mủ: Vỏ quả lựu, A giao, Đương quy, mỗi thứ 10 g; Hoàng liên, Hoàng bá, Gừng tươi, mỗi thứ 5 g; Cam thảo bắc 3 g. Sắc 3 nước, cô lại còn 250 ml, chia làm 4 lần uống trong ngày, uống 7-10 ngày.
12.4. Trị sán dây: Vỏ rễ Lựu tươi 60g, Hạt cau 40g, nước 750mg. Cho vào nồi (không dùng nồi gang, nồi tôn) ngâm 6 giờ, rồi sắc còn 500ml, lọc bỏ bã. Uống buổi sáng khi đói, chia làm 2 lần cách nhau nửa giờ. Hai giờ sau khi uống thuốc thấy bụng cồn cào khó chịu thì uống một liều thuốc tẩy đến lúc buồn đi ngoài thì ngồi nhúng hẳn mông vào chậu nước ấm để sán ra hết. Trong khi uống nước thuốc cần nằm nghỉ và nhắm mắt (theo Dược liệu Việt Nam).
12.5. Tẩy giun đũa, giun kim: Vỏ quả lựu 15 g, hạt Cau già 10 g. Sắc 3 lần rồi cô lại còn 100 ml, thêm đường vừa ngọt. Uống vào buổi tối trước khi đi ngủ (sau khi ăn 3 giờ), liên tục trong 3 ngày.
12.6. Chữa đái són, đái rắt: Vỏ thân Lựu 20g, vỏ rễ Dâu 20g, sắc uống.
Ghi chú:
1. Chỉ dùng ấm đất hoặc nồi, xoong nhôm, thép không gỉ để sắc thuốc vì lựu có hàm lượng tanin cao.
2. Vỏ quả lựu cần sao khô, giã cho dập thành bột thô rồi mới sắc để rút hết chất thuốc. Nếu ăn nhiều quả lựu sẽ hại phổi, tổn răng.
3. Khi dùng vỏ quả khô, vỏ thân, vỏ rễ khô thì phải bảo quản nơi khô ráo, không để lâu quá 2 năm. Người thể trạng hư yếu, phụ nữ có thai và trẻ em không nên dùng thuốc có lựu.
Kiêng kỵ:
Không dùng vỏ rễ cho phụ nữ có thai và trẻ em.(trích
http://vmmu.edu.vn)